Lời hứa Xô lệch: Sự nhiễu loạn êm ái trong hội hoạ siêu thực của Phạm Huy Thông

“Ngay khi ta vừa thốt lên lời hứa không làm điều gì,

nó liền trở thành điều mà ta muốn làm hơn hết thảy.”[1]

-Georgette Heyer-

Từng chứng kiến nhiều cảnh tượng tréo ngoe, Phạm Huy Thông luôn ý thức về cách ngôn ngữ nghệ thuật có thể khéo léo “phóng chiếu” và “diễn dịch” hiện thực đời sống. Cảm thức ấy dẫn đường cho anh đi vào phạm trù siêu thực. Từ khoảng đầu năm 2010, anh đã cho thấy mức độ nhuần nhuyễn trong khả năng kiến tạo một thế giới bằng những biểu tượng đời thường, nằm đâu đó trên đường biên giữa hư và thực, dữ dội khốc liệt nhưng vẫn chừa chỗ cho cái châm biếm ý nhị. Và cho đến loạt tranh Xin lỗi vì đã làm phiền, thì Thông đã đẩy nét cọ siêu thực ấy lên một tâm thế mới, hướng tới biểu đạt cái nhìn nội tâm về xã hội thông qua ngôn ngữ hội họa.

 

Tính biểu tượng là một trong những thành tố làm nên nền tảng cho siêu thực. Lấy chất liệu hình ảnh từ thiên nhiên hay xã hội, các họa sĩ siêu thực nhào nặn, bẻ cong, xoắn cuộn những hình thái đời thường thành “mẫu tượng” để thể hiện nhãn quan nội hàm. Quá trình “chuyển thể” này kéo theo sự biến dịch về ý nghĩa của các mẫu tượng ấy. Trong loạt tranh này của Thông, ta thấy xuất hiện những hình ảnh văn hóa đại chúng, như nàng Mona Lisa, Đức Phật, Darth Vader, hay chú hổ đón xuân. Những biểu tượng quen thuộc này tạo cảm giác an toàn: chúng hứa hẹn cái gì đó dễ chịu, dễ hiểu, dễ cảm – sự thân thuộc luôn khiến ta mất cảnh giác.

 

Và quả thật, Thông, như một ảo thuật gia, đã phủ lên những biểu tượng hiển nhiên này một lớp màng vải bạt, cũng là một hình ảnh thường thấy ở các công trường xây dựng. Sử dụng kỹ thuật đắp nổi nền tranh, tạo khối cho “nhân vật chính”, Thông bao bọc lấy những biểu tượng bằng lớp vải bạt ôm sát, những đường cong nếp gấp nhấp nhô, vừa che đậy vừa gợi mở dáng hình thứ nằm bên dưới. Giờ thì mắt ta nhận ra có điều gì không ổn: những biểu tượng trở nên mập mờ, nửa kín nửa hở, vừa như bọc bằng vải bạt, vừa như được sinh ra từ chính chất vải kia. Cảm giác quen thuộc bỗng chốc trở nên lung lay; sự “chuyển thể” đã kéo theo việc “chuyển dịch” về ý nghĩa. Ta tự hỏi: những biểu tượng kia, phải chăng còn là những gì ta vốn biết? Nếu không phải, thì thứ nằm sau lớp vải bạt ấy có thể là gì?

 

Tinh thần siêu thực trong loạt tranh của Thông được lồng ghép vào hình tượng lời hứa. Những biểu tượng mà Thông sử dụng là lời hứa cho một cái gì thân quen, dễ chịu. Lời hứa (một ẩn dụ cho tương lai) tạo nên cốt lõi của bức tranh, như hạt của một thứ hoa trái siêu thực. Và quanh hạt nhân đó, người nghệ sĩ bọc một lớp “vỏ” bằng hình ảnh tấm vải bạt ba màu kẻ sọc, tạo thành một lớp màng “chuyển dịch” ý nhị, vừa tàng ẩn vừa hiển lộ. Không có gì đảm bảo hoàn toàn ở đây cả: các biểu tượng đều đang trong quá trình (tái) kiến tạo, tương lai đang (tái) định hình, lời hứa không hoàn toàn xác tín, như con sâu hoá thân bên dưới lớp kén trong mờ – ta có thể nhìn thấy thấp thoáng nét gợn của quá trình “biến dịch” ấy, nhưng nó không hề diễn ra minh bạch. Một công trường đang thi công, được rào lại bằng bạt, là lời hứa hẹn về một công trình sẽ được dựng xây. Ngay chính tiêu đề Xin lỗi vì đã làm phiền, bản thân nó cũng là một lời hứa ngầm, tuy rằng mức độ khả thi của nó đến đâu thì là chuyện khó bề đoán định. Tương lai, sau cùng, vẫn là hiện tại ở thì tiếp diễn.

 

Có người từng nói với tôi rằng họ không hiểu, thậm chí có phần thấy sợ hội họa siêu thực. Và xét cho cùng, cảm giác rờn rợn bất an ấy không hoàn toàn phi lý. Não bộ của ta được mã hoá để “đọc” các dấu hiệu và gán cho chúng một hệ thống ý nghĩa cụ thể; khi những dấu hiệu đó bị “bóp méo” hay “dịch lệch” khỏi quỹ đạo thông thường, ta sẽ lập tức nghi ngờ và chất vấn. Câu hỏi Tại sao này là cần thiết để bước vào hội hoạ siêu thực, nhưng ta phải làm hơn thế để thực sự thấy được thông điệp của nghệ sĩ. Bằng cách vượt lên mong muốn an toàn, nhìn nhận những biểu tượng ở dạng thức và cách hiện tồn mới, và khám phá những khả thể trong việc diễn giải cùng một biểu tượng, ta sẽ dần nắm bắt được bối cảnh của tác phẩm, từ đó phái sinh ra thông điệp của người nghệ sĩ. Quá trình “tái-dịch” ấy sẽ khai mở thế giới quan của ta, cho phép ta thấy những biểu tượng thân quen bằng con mắt khác.

 

Đứng trước tranh của Thông, tôi vẫn tự hỏi, đâu là điều làm nên nét siêu thực trong hội họa của anh. Chủ đề? Bảng màu? Bố cục? Đường nét? Biểu tượng? Và sau khi ngắm những hình ảnh quấn bằng vải bạt, hoà vào nhau bất khả tách chia, thì tôi hiểu rằng, nét siêu thực của anh là tổng hòa của tất cả yếu tố ấy, cộng thêm cái lém lỉnh tinh nghịch, muốn đảo chiều những gì được coi là dễ chịu, chổng ngược hay lộn trái chúng, trao cho chúng khả năng làm nhiễu hay gây bất an. Cái ngông của anh âm thầm, luôn chảy ngầm dưới bề mặt toan và lớp vải bạt, như chơi trò trốn tìm với mắt người xem, khiến họ thấp thỏm; cảm giác ấy chính là mặt trái của cùng một đồng xu với an tĩnh – lắm khi, chúng hòa vào làm một.

 

Có lẽ, đôi khi ta cũng cần bất an, để biết rằng còn bao nhiêu cách nhìn đời khác nữa.

 

Vì nếu cứ thế này mãi, thì khi nào mới khác?

 

Dương Mạnh Hùng

Sài Gòn, tháng 9/2022

 

[1] “As soon as one promises not to do something, it becomes the one thing above all others that one most wishes to do.”

Thông tin về người viết: 

Dương Mạnh Hùng là một dịch giả/giám tuyển độc lập. Thực hành của họ đan xen sự phức tạp của chữ nghĩa cùng tính vi tế của thị giác nhằm phản hồi và chất vấn thực trạng của thế giới. Mối quan tâm của Hùng giữa các tương tác tàng ẩn mà hiển lộ giữa nghệ thuật thị giác và dịch thuật đến từ sự chú ý mật thiết đến bối cảnh lịch xã hội-chính trị toàn cầu và Đông Nam Á, đặc biệt là thông qua lăng kính thực vật/sinh thái học.