Người quê trong tranh Phạm Huy Thông
Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Những tác phẩm trong bộ sưu tập tranh “Hy vọng” được Phạm Huy Thông bắt đầu sáng trong một chuyến về quê tại Bắc Ninh năm 2014. Thấy quê mình chỉ toàn người già, trẻ con, còn lại thanh niên, người còn sức lao động lên thành phố kiếm việc hết. Những hiện thực xung quanh mình được anh đưa vào tranh bằng cái nhìn hài hước.
|
Ngắm nhìn bộ sưu tập “Hy vọng”, người xem thấy được cái gai góc trong cuộc sống nhưng lại có cảm giác bồi hồi, nhớ nhung và tình yêu dành cho quê hương. Hình ảnh người nông dân kéo chiếc xe trên con đường làng nhạt nhòa nhưng lại mang theo những mảnh làng xã bên mình, những mái nhà, mảnh vườn hay cả những ụ rơm… tạo nên sự khắc khoải cho người xem.
Qua tranh họa sĩ Phạm Huy Thông muốn người xem thấy được những suy nghĩ của mình. Sự phát triển của đô thị hóa thực ra là tập hợp đa dạng từ những vùng miền lân cận, vùng nông thôn. Xét trên khía cạnh văn hóa, sự giao lưu trong quá trình di dân là một sự bồi đắp. Mỗi người rời quê hương ra thành phố mưu sinh, sẽ đóng góp cho điểm đến một đặc thù mới, một “đặc sản địa phương” đầy sinh động.
Họa sĩ Phạm Huy Thông chia sẻ: “Mình muốn mọi người thấy rằng có nhiều sự thay đổi của làng quê nhưng đó không phải sự thay đổi tiêu cực. Họ vẫn có niền tin vào cuộc sống, vẫn có một sợi dây kết nối giữa người nông dân đang mưu sinh ở thành thị và quê hương”./.
Một số tác phẩm trong bộ sưu tập “Hy vọng” của Phạm Huy Thông:
|
Bài: Nguyễn Oanh – Ảnh: Nguyễn Luân
Nguồn: Báo ảnh Việt Nam