Họa sĩ Phạm Huy Thông lý giải ý nghĩa những bức tranh không có mặt, chỉ có… tiền và bàn tay
Phạm Huy Thông sinh năm 1981, tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2004. Được biết đến là một người nghệ sỹ trẻ tài hoa, vừa có tâm vừa có tầm, anh được không chỉ giới hội họa, mà nhiều người yêu mến. Nam họa sĩ có một số triển lãm trong và ngoài nước trong đó có 4 triển lãm cá nhân Mưa, Cập nhật, Đồng bào tại Hà Nội và Giấc mơ lạ tại Singapore.
Năm 2008, Phạm Huy Thông được Bảo tàng Mỹ thuật Singapore chọn là một trong hơn 40 nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu sau đổi mới và được bày tranh trong triển lãm Post Đổi mới ở nuớc này. Anh cũng được mời đi dự trại sáng tác nghệ thuật ở Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Thái Lan…
Họa sĩ Phạm Huy Thông bên tác phẩm hội họa
“Tôi thấy mình không đơn độc”
– Cơ duyên nào đã dẫn anh đến với con đường nghệ thuật hội họa?
– Tôi bén duyên với nghệ thuật từ bé, thế hệ của chúng tôi là thế hệ trẻ con không có nhiều những trò chơi, những thứ giải trí như các em sau này. Khi bố mẹ đi làm, tôi thường chơi với chính mình, với mẩu bút chì và mảnh giấy. Tôi vẽ từng khi còn bé, sau này khi lớn lên một chút đi học mẫu giáo thì mẹ tôi dẫn tôi đến Cung thiếu nhi Hà Nội và từ đây tôi không ngừng vẽ tới tận bây giờ.
Tuy nhiên khi học Đại học, tôi lại không học thẳng chuyên ngành mỹ thuật hội họa, tôi học thiết kế đồ họa. Dù rằng học ngành hơi khác nhưng tôi vẫn luôn dành thời gian riêng để tiếp tục vẽ.
– Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2004, chắc hẳn anh đã trải qua những thăng trầm của sự nghiệp. Vậy có khi nào anh cảm thấy nản và muốn từ bỏ con đường nghệ thuật hội họa của mình chưa? Những lúc đó anh làm gì để vượt qua?
– Thực ra với tất cả những ngành nghệ thuật, giai đoạn đầu luôn là “Vạn sự khởi đầu nan”. Bởi lúc đó người nghệ sỹ luôn phải chật vật: một là kinh tế, hai là con đường sáng tác – phải tìm ra chính mình. Tôi có cơ duyên kỳ lạ khi thi đỗ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ngành thiết kế đồ họa, chứ không phải là ngành hội họa.
Cho nên khi ra trường, phần thu nhập từ thiết kế đồ họa giúp tôi ổn định cuộc sống, không phải lo lắng về việc tranh của mình có bán được ngay hay không. Vì thế nó giúp cho nghệ thuật hội họa của tôi độc lập tương đối với đòi hỏi của thị trường.
Đương nhiên, khó khăn chính là việc tìm được tiếng nói riêng của mình không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong khoảng thời gian đầu tôi mất 1 đến 2 năm để tìm ra được hướng đi cho mình: suy nghĩ và bút pháp. Và hiện tại tôi đã tìm được lối suy nghĩ của riêng mình.
Tới năm 2007, tôi nhìn lại công việc sáng tác hội họa của mình và thấy rằng: Nó tạm ổn để nuôi sống chính tôi. Và lúc đó tôi đã quyết định mình dừng lại những công việc của thiết kế đồ họa để dành toàn thời gian cho việc vẽ tranh.
– Quan niệm của anh về nghệ thuật là như thế nào?
– Theo tôi nghĩ mỗi người nghệ sỹ sống trong thời đại của mình thì phải đóng vai trò là ký giả, không phải là ghi chép mà phải lưu lại tinh thần thời đại của mình trong những tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, tác phẩm của tôi thường gắn với câu chuyện cuộc sống, nhưng không phải đi tả một hai câu chuyện này, chuyện kia, mà ghi chép lại hiện tượng, những biến đổi cảm xúc của xã hội.
Như vậy, quan điểm nghệ thuật của tôi là quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Người nghệ sỹ không nhốt mình trong tháp nhà nữa, vì nếu có nhốt mình trong tháp nhà thì cuộc sống vẫn ùa vào qua ô cửa sổ.
– Những bức tranh của anh như mang trong mình một thông điệp, một hơi thở thực tại của cuộc sống. Vậy điều đó có làm anh cảm thấy mình đang cá biệt bản thân đối với những đồng nghiệp của mình không? Anh có suy nghĩ gì về điều này?
– Như quan điểm của tôi là nghệ thuật phản ánh cuộc sống, người nghệ sỹ là minh chứng để ghi lại những hiện tượng của xã hội – hơi thở của thời đại. Thực ra ở Việt Nam có nhiều nghệ sỹ đi theo đề tài này như anh Trương Tân, anh Lê Quảng Hà, anh Nguyễn Mạnh Hùng – là những người đưa được vào trong nghệ thuật của họ những quan điểm về đời sống về xã hội và tôi thấy mình không đơn độc.
Tất nhiên, mỗi người nghệ sỹ như các anh mà tôi vừa nhắc tên đều có quan điểm riêng, bút pháp riêng nhưng tôi không phải là người đơn độc trong vòng tròn ấy.
Họa sĩ Phạm Huy Thông – bên phải ngoài cùng
“Tôi đưa hình ảnh tiền và bàn tay vào tranh để nói được nhiều hơn câu chuyện cuộc sống”
– Trong những tác phẩm hội họa của anh, hình ảnh tiền và bàn tay xuất hiện khá nhiều. Vậy ý nghĩa của 2 hình ảnh đó là gì?
– Tôi khởi động những bức tranh tay từ cuối năm 2010, trong bộ tranh tay này tất cả nhân vật đều không có khuôn mặt, mà có một bàn tay thứ 3 thay thế trên phần đầu của họ.
Tôi lựa chọn thủ pháp này (đây là thủ pháp không hề mới trên thế giới), bởi vì khi vẽ một vấn đề xã hội chung mà chúng ta vẽ chân dung ai đó thì câu chuyện trở nên thu hẹp lại, nhưng nếu chúng ta thay thế bằng một vật chỉ khác thì có thể sẽ đại diện cho một lớp người, một nhóm người rộng hơn. Hơn nữa, bàn tay cũng là một bộ phận của con người, nó có tính biểu cảm cao, không chỉ qua động tác mà nó còn là ngôn ngữ quy định quốc tế
Còn những bức tranh tay cầm tiền tôi nghĩ đó là đời sống xã hội mà con người chạy theo vật chất, giá trị đồng tiền chi phối nhiều thứ trong xã hội. Vì thế mà tôi đưa 2 hình ảnh này vào tranh của mình, để có thể nói được nhiều hơn những câu chuyện khác nhau ở trong cuộc sống.
– Năm 2016 được gọi là năm thành công của anh, khi bộ sưu tập tranh sơn dầu “Hy vọng” được giới Mỹ thuật trong nước và quốc tế đánh giá cao cả về hình thức và ý tưởng sáng tạo. Vậy nguồn cảm hứng của những bức tranh đó được anh khởi nguồn từ đâu? Qua những bức tranh đó, anh muốn gửi gắm điều gì đối với mọi người?
– Bộ tranh hi vọng câu nói về đời sống của người nông dân: đời sống tâm lý, đời sống văn hóa của họ trong quá trình đô thị hóa hiện đại hóa. Câu chuyện đầu tiên mà tôi nghĩ đến ở bộ tranh này xuất phát từ chuyến đi về thăm quê của tôi – một xã ven biển cũng khá xa. Tôi về thì người trong làng chỉ còn người già và trẻ con, thanh niên trai trẻ họ đi vắng hết lên huyện, tỉnh, thành phố để kiếm nguồn thu nhập khá hơn. Đấy là hiện tượng chung của tất cả các làng quê khác, không chỉ riêng Việt Nam mà các nước phát triển khác cũng thế.
Đến thăm người họ hàng quen, tôi hỏi: Ở quê mình lúc nào vui nhất? Các bác đùa bảo: Những lúc vui nhất là làng có đám ma, vì lúc đấy họ hàng con cái tụ tập về quê lo ma chay, nhờ vậy gia đình, dòng tộc mới được đoàn tụ. Đó là câu trả lời hài hước, mặc dù cái phông nền buồn như thế.
Tôi thấy đặc tính người Việt Nam mình luôn có sự hài hước, hi vọng và cái hi vọng đó giúp người ta vượt qua khó khăn. Vì thế tôi vẽ những bức tranh này, với hình ảnh người nông dân trồng cấy ước mơ, đám mây, thu hoạch đám mây,… để thấy được hi vọng của họ.
Thực ra trong bộ tranh này tôi nghĩ nghệ thuật hội họa đôi khi không nhất thiết phải nói ra thành lời, với tôi bộ tranh Hy vọng này là góc quan sát của tôi trong xã hội, dĩ nhiên nó sẽ đem lại cho mỗi người thưởng thức bức tranh ấy một cách nhìn khác nhau.
– Trong sự nghiệp sáng tác hội họa của mình từ trước tới nay, bức tranh nào chất chứa nhiều kỷ niệm và sự tâm đắc của anh nhất?
– Để trả lời chính xác thì rất khó, vì tôi vẽ tranh một cách nghiêm túc nhất là từ năm 2001 – sinh viên năm 2, làm việc với các tổ chức doanh nghiệp về tranh. 16 năm trôi qua để chọn 1 bức tranh ưng ý nhất thì rất khó, nhưng có lẽ bộ tranh Đồng bào là bức tranh mà tôi tâm đắc nhất, nó giúp cho công việc của tôi được nhiều người biết đến.
Bộ tranh Đồng bào đó vẽ được 20 bức tranh, vẽ năm 2009 – 2010, đó là những đứa bé bào thai trong bụng mẹ, bức tranh đó tôi kết hợp hai câu chuyện: Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra 100 trứng và bức ảnh lịch sử trong kháng chiến chông pháp, mỹ của nhân dân ta.
Tôi thấy rằng câu chuyện truyền thuyết của người Việt Nam là câu chuyện rất hay và yên bình, nhưng lịch sử của người Việt Nam lại trải qua nhiều giông bão. Tôi lấy nhưng bức ảnh lịch sử vẽ lại nhân vật trong đó dưới dạng bào thai, và đặt trong bối cảnh tử cung mẹ Âu Cơ để kết hợp hai câu chuyện làm một.
– Sắp tới, anh có những dự định gì cho sự nghiệp hội họa của mình?
– Đối với người nghệ sỹ thì bức tranh đẹp nhất luôn luôn ở phía trước, có người nói như vậy. Tôi là một người họa sỹ một người mà trong công việc luôn luôn có kế hoạch, vì tôi nghĩ rằng nghệ thuật của tôi nó không phải là những tác phẩm mang tính ngẫu hứng, mỗi tác phẩm của tôi là cả một quá trình nghiên cứu về nội dung dài lâu.
Thời gian tới, tôi sẽ có một vài bộ tranh đang ấp ủ và nó cũng nói về các cảm xúc của Việt Nam thôi và tất nhiên nội dung của nó như thế nào thì các bạn hãy đón xem khi chính những tác phẩm lên tiếng.
Cảm ơn họa sĩ Phạm Huy Thông!